Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Chuẩn bị phong bì trong lễ ăn hỏi bao nhiêu là đủ?

Theo truyền thống của người Việt, trong ngày ăn hỏi, họ nhà trai mang đồ lễ đến nhà gái nhất thiết không thể thiếu phong bì. Tuy nhiên, rất nhiều người thắc mắc nên chuẩn bị phong bì trong lễ ăn hỏi bao nhiêu là đủ?

Theo truyền thống của người Việt, trong ngày ăn hỏi, họ nhà trai mang đồ lễ đến nhà gái bao gồm cau, rượu, chè (trà), thuốc và bánh trái, một con gà trống hoặc nếu nhà nào khá giả thì có thêm một con lợn sữa.

Bánh trong lễ ăn hỏi tượng trưng cho Âm – Dương, thường là bánh cốm, bánh xu xê (ở Hà Nội hoặc các vùng lân cận), có nơi dùng bánh nướng, bánh dẻo (ở Hải Phòng) hoặc bánh chưng và bánh dày (ít nơi dùng bánh này), kèm với bánh chưng và bánh dày thường có quả nem. Bánh cốm, bánh xu xê, bánh chưng, bánh dày và cả quả nem dùng trong lễ ăn hỏi đều được đựng trong hộp giấy màu đỏ hoặc bọc trong giấy đỏ, màu đỏ tượng trưng cho “hỷ” tức là vui mừng.

Trước đây, lễ ăn hỏi chỉ đơn giản là bánh trái nhưng ngày nay ngoài những đồ lễ truyền thống đó thường kèm theo một phong bì, nhiều ít tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình. Đây là một đổi mới “rất tế nhị” trong đời sống xã hội hiện đại và được áp dụng trong hầu hết các đám cưới. Lễ này gọi là lễ đen hay nạp tài.

 chuan-bi-phong-bi-trong-le-an-hoi-bao-nhieu-la-du-2
Theo truyền thống của người Việt, trong ngày ăn hỏi, họ nhà trai mang đồ lễ đến nhà gái nhất thiết không thể thiếu phong bì (Ảnh minh họa)

Ý nghĩa của lễ đen

Có thể hiểu số tiền trong lễ đen tượng trưng cho như việc “thách cưới” của nhà gái đối với nhà trai. Ngày nay gia đình nhà gái thách cưới ít hơn so với thời xưa hoặc sẽ căn cứ vào hoàn cảnh của nhà trai để ước lượng số tiền. Bởi lễ cưới hiện đại đều do cả hai nhà lo liệu, chi trả nên việc thách cưới cũng giảm nhẹ đi.

Lễ đen cũng được coi như món quà của nhà trai dành cho nhà gái để tỏ lòng cảm ơn gia đình nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu mà họ sắp rước về. Đây cũng thể hiện thái độ tôn trọng của nhà trai đối với gia đình nhà gái nói chung và cô dâu mới nói riêng.

Xét về mặt ý nghĩa khác, nhà trai cũng góp công sức, tiền của vào việc chăm lo cho con dâu trước ngày vu quy. Số tiền trong lễ này có thể sẽ được đưa cho cô dâu để sắm sửa quần áo, tư trang trước khi về nhà chồng.

Cách thức chuẩn bị “phong bì”

Số tiền có thể được đựng trong 1 phong bì, hoặc chia thành 3, 5 phong bì khác nhau tùy thuộc vào số lượng bát hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Số lượng phong bì thường là số lẻ.

Phong bì thường là loại to bản, có in chữ hỷ hoặc đôi uyên ương cách điệu. Bạn có thể tìm mua các loại phong bì cho lễ ăn hỏi tại những cửa hàng trang trí đám cưới hay cưới hỏi trọn gói.

Các phong bì này được để vào một tráp riêng hoặc để chung vào với tráp trầu cau khi nhà trai mang sang nhà gái.

 chuan-bi-phong-bi-trong-le-an-hoi-bao-nhieu-la-du-1
Các phong bì này được để vào một tráp riêng hoặc để chung vào với tráp trầu cau khi nhà trai mang sang nhà gái (Ảnh minh họa)

Vấn đề xoay quanh “phong bì”

Số tiền nạp tài  lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào sự bàn bạc trước của hai gia đình hoặc hoàn cảnh của mỗi gia đình. Từ trước đến nay mọi người thường không quy định rõ ràng con số cụ thể. Tuy nhiên tại miền Bắc, số lượng tiền này phải là số lẻ.

Có trường hợp hai bên gia đình đã biết nhau tương đối nên cởi mở hơn và vấn đề đó cũng trở nên dễ hơn, nhưng cũng có trường hợp hai bên chưa có cơ hội để hiểu ý tứ của nhau nên có thể tạo nên một phản ứng nào đó không hay. Vậy làm thế nào cho hợp tình hợp cảnh và bao nhiêu là hợp.

Vì vậy, cô dâu chú rể phải là người kết nối hai nhà. Cô dâu nên bàn bạc cùng  bố mẹ hoặc thăm dò ý kiến các cụ về số lượng phong bì cũng như số tiền là bao nhiêu, để nhà trai khỏi băn khoăn, lo lắng. Các gia đình không nên quan trọng số tiền nhiều hay ít mà chủ yếu nên đánh giá thái độ của gia đình thông gia và đặt hạnh phúc con cái lên hàng đầu.

Ngày nay, gia đình nhà gái ít thách cưới hơn ngày xưa, hoặc có thách cưới cũng lựa theo gia cảnh nhà trai nhưng nói chung tục lệ này không nên tồn tại. Đời sống văn hoá mới tiến bộ hơn, thách cưới thực sự trở thành một hủ tục vì tính chất nguyên thuỷ của nó vẫn được giữ.

Còn phong bì trong lễ ăn hỏi của nhà trai gửi nhà gái lại mang tính chất khác, không phải là khoản “thách cưới” của nhà gái. Do đó nhà trai có thể chủ động về vấn đề này. Phong bì có thể đưa sau khi nhà gái nhận lễ, nhà trai phát biểu vài lời và gửi tiền nạp tài.

Số tiền này không cần phải nhiều quá nhưng cũng không nên ít quá mặc dù là tượng trưng. Vì theo quan điểm của người Việt Nam, khi người con gái lấy chồng thì nhà chồng nghiễm nhiên có thêm một nhân lực mà không phải “nuôi nấng”, nên tiền nạp tài có ý nghĩa như là một phần trả nghĩa đã nuôi cô dâu và thể hiện một phần nào lòng biết ơn nhà gái.



Phong bì trong lễ ăn hỏi trở nên phổ biến, tuy nhiên ta cũng không nên quá coi trọng ít hay nhiều. Điều quan trọng là hạnh phúc lứa đôi của vợ chồng trẻ.

....................... 
ẢNH VIỆN ÁO CƯỚI ELY
Uy tín - Giá hợp lý - Chất lượng tốt - Phục vụ tận tình
Địa chỉ: Số 26 Đường Láng - Ngã Tư Sở - Đống Đa - Hà Nội
Hotline: 04.35642564 - 0936772889.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét